20 tháng 3, 2005

Phút nhìn lại mình

Điều bí mật của một phút ...

Trong một phút, bạn sẽ làm được gì? Có lẽ bạn sẽ rất ngập ngừng để tìm xem thử có bao nhiêu việc sẽ hoàn thành trong một phút. Nhưng với tiến sĩ Spencer Johnson – tác giả của “Phút nhìn lại mình”, một phút lại chính là :“Bí mật đưa bạn trở về với chính mình, tìm được hạnh phúc và tình yêu cuộc sống”.

Tiến sĩ Spencer Johnson – tác giả của “Phút nhìn lại mình”, “Những quyết định thay đổi cuộc sống”, “Phút dành cho cha”, “Phút dành cho mẹ”, “Ai lấy miếng pho mát của tôi”,… tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Đại học Southern California. Ông theo học ngành y tại Đại học Y khoa Hoàng gia và nghiên cứu tại bệnh viện Mayo và Đại học Harvard.
Từng là Giám đốc Truyền thông cho công ty Medtronic, là nhà nghiên cứu tâm lý tại Viện Nghiên cứu Tổng hợp và là Chuyên viên tư vấn Trung tâm nghiên cứu Nhân học. Hiện Spencer Johnson là Ủy viên Hội đồng tại Đại học Harvard.
Những tác phẩm của ông ngắn – gọn, nhưng thực tế, thú vị, tinh tế và đầy ý nghĩa.


Với “Phút nhìn lại mình”, câu chuyện xoay quanh các “vấn đề” của một chàng trai. Bị quay vòng giữa những ước mơ – thực tế, giữa quá khứ - hiện tại…
đôi lúc chàng trai tưởng chừng như đuối sức vì công việc và áp lực cuộc sống.
Anh tìm đến một vị bác sĩ tâm lý - người mà anh tin tưởng vào sự thành công toàn vẹn, vì những hiểu biết, những niềm vui, sự bình an nơi con người ông…

“Cháu thử đặt mình vào vị trí một người làm vườn giỏi phải chăm sóc cho một khu vườn. Điều gì sẽ xảy ra nếu cháu biến khu vườn đó thành những mảng hoa đủ màu sắc. Đâu đó là sắc đỏ, ngọt ngào của hồng nhung đang hé nụ, sắc vàng rực rỡ của nhóm cúc kiêu sa.
Rồi xen kẽ là sắc trắng tinh khiết của đóa trà mi dịu dàng. Và kia nữa, những tán cây bách tùng mạnh mẽ vươn cao đang mùa trổ lá… Thật dễ đoán phải không? cháu sẽ rất hài lòng và người khác cũng vậy.
Mọi người sẽ tìm đến vườn hoa của cháu để có những giây phút hòa mình với thiên nhiên, để thư giãn tâm hồn…”. Với lối thủ thỉ, tâm tình như thế, điều “bí mật” đầu tiên vị bác sĩ tiết lộ cho chàng trai chính là: "Hãy biết quan tâm đến bản thân mình. “Quan tâm đến công việc, cuộc sống nên đi cùng với việc biết quan tâm đến bản thân mình. Đó cũng chính là cách cảm nhận cuộc sống tốt nhất”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn biến khu vườn "tâm hồn" thành những mảng hoa đủ màu sắc...

Đôi lúc trong cuộc sống, người ta tự… bịt mắt mình lại. Cuộc sống lại quá bận rộn khiến tiếng nói nội tâm trở nên rất yếu ớt. “Một phút” rất ngắn, nhưng lại là chiếc chìa khóa giúp khám phá thế giới nội tâm – thế giới của cái Tôi phức tạp.
“Một phút tĩnh lặng dành riêng để quan tâm đến cái tôi đem lại cho mình rất nhiều điều… Những ai biết dành một phút nhìn lại mình sẽ có cơ hội điều chỉnh và giúp hiện tại của mình tốt hơn lên”.

Với những lời dẫn như thế, “Phút nhìn lại mình” đã đưa một “cánh tay” thân ái với những người trẻ ngay từ những trang đầu.

Giọng văn tự nhiên, dẫn người đọc vào một cuộc đối thoại mạch lạc mà thân tình, nhiều kiến giải nhưng gần gũi, bình dị. “Phút nhìn lại mình” là một câu chuyện thực tế, hữu ích và sâu sắc về cách nhìn lại, tự điều chỉnh mình để vượt qua những khó khăn, trở ngại…
Sự nghiệp thành công – có thể là một mục đích mà hầu hết mọi người vươn tới. Nhưng đôi lúc, nếu cứ chăm chăm vào mục đích ấy mà không phân biệt được “Đâu là cái mình muốn và đâu là cái mình thật sự cần”, nhiều người trẻ sẽ dễ bị… “rối”.

“Phút nhìn lại mình” đưa cho người đọc những hướng lựa chọn.
Đôi lúc cần phải “đơn giản hóa mọi việc”. Lựa chọn thái độ sống và ước mơ là quyền của mỗi người. Bạn có thể lựa chọn một trong hai cảm xúc: “yêu thương” hoặc “sợ hãi”. “Quyết định xuất phát từ sợ hãi đều tạo ra những ảnh hưởng không tốt”.
Ngược lại, với “yêu thương”, bạn sẽ thấy mình thật vui vì đã sống thật với con người mình.

“Phút nhìn lại mình” còn hướng người đọc biết quan tâm đến người khác và chia sẻ với họ… Vị bác sĩ tâm lý cũng đã khuyên chàng trai: “Một cách nữa để áp dụng thành công nguyên tắc quan tâm đến bản thân là phải biết cho đi.
Bởi vì, khi một người còn có thể cho đi thì chứng tỏ người đó không phải sợ gì nữa cả”. “Hãy cư xử với bản thân theo cách mà bạn thực sự mong muốn cách người khác đối xử với bạn”. “Bạn không bao giờ cảm thấy" Mất đi" khi" Yêu thương và Cho đi."

Bạn chỉ Mất khi cố Giữ lại. Biết giữ gìn ký ức, kỷ niệm đẹp của tình bạn và tình yêu là một cách để tự quan tâm và trở về với chính mình”.

“Khi gặp khó khăn, hãy đơn giản hóa mọi việc và trầm tĩnh nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề. Bạn sẽ tìm ra cách giải quyết”.

Hãy thường xuyên dành cho bạn "một phút"...

“Người khác, chính là một “cái tôi khác” của ta. Khi bạn giúp được ai đó thể hiện sự quan tâm đến bản thân họ - khi bạn biết mình sẽ luôn có mặt bên cạnh người khác để cổ vũ họ, đó là lúc mà bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Và rồi tình yêu trong bạn sẽ lớn lên”.

“Bạn cũng như tôi, khi biết cách chăm sóc tốt cho mình cũng là lúc chúng ta đang gián tiếp thể hiện sự quan tâm đến người khác. Hãy dành ra cho bạn “Một phút nhìn lại mình” bằng cách dừng lại, nhìn vào những gì bạn đang làm hay đang suy nghĩ, rồi sau đó tự hỏi : Điều gì và như thế nào là tốt nhất cho bạn.
Rồi bạn sẽ thấy một phút đó thật sự đáng giá.”

Hai trang cuối của “Phút nhìn lại mình" được minh họa với hình ảnh hai cánh rừng: “Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh. Hãy thường xuyên dừng một phút để nhìn lại mình và điều chỉnh...
Biết thay đổi khi cần, chấp nhận mạo hiểm và đừng bao giờ từ bỏ niềm tin và ước mơ.

Cuộc sống là quá trình cho và nhận. Khi bạn cố gắng giữ lại, bạn chẳng còn bao nhiêu.
Bạn cho đi sẽ được nhận lại rất nhiều từ con người, cuộc sống và từ chính bạn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét